LỄ HỘI ĐÌNH AN THỌ

11/01/2013
BÀI PHÁT BIỂU

TẠI LỄ HỘI ĐÌNH AN THỌ PHƯỜNG THỤY KHUÊ, QUẬN TÂY HỒ – TP. HÀ NỘI

(Nhân ngày giỗ Thánh 30 tháng 11 năm Nhâm Thìn)

 

Kính thưa:

– Các vị đại diện Ban ngành của Trung ương và Địa phương.

– Các vị trong Ban quản lý Lâm thời di tích đình An Thọ phường    Bưởi, quận Tây Hồ, TP  Hà Nội.

– Các vị  Quý khách thập phương.

– Bà con cô bác phường Bưởi.  

Cho phép tôi thay  mặt thường trực Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và bà con cô  bác dòng tộc Đỗ (Đậu) ở trong nước và ở nước ngoài gửi đến tất cả các  Quý ông, Quý bà hiện diện tại đây lời chúc:  HẠNH PHÚC VÀ AN LÀNH!

Dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam nằm trong trăm họ của đất nước Việt Nam. Là một trong những dòng họ có nguồn gốc rất lâu đời, gắn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Theo Ngọc phả và Thần phả, người con gái họ Đỗ  là cụ Đỗ Quý Thị – Tự Ngoan – Tên Đỗ Đoan Trang – Hiệu Hương Vân Cái Bồ Tát, là người sinh ra Lộc Tục – Kinh Dương Vương. Vua Kinh Dương Vương  sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một trăm trứng  nở trăm người con, thiết lập triều đại Hùng Vương thứ nhất. Cụ Đỗ Quý Thị là con Tể Tướng Đỗ Thương. Cụ cùng 8 người em trai nuôi dạy Lộc Tục từ thủa ấu thơ đến tuổi trưởng thành rồi trao lại anh rể Nguyễn Minh Khiết để lập Lộc Tục xưng Vương là Kinh Dương Vương, lập nước Xích Quỷ. Cụ Đỗ Quý Thị và  8 người em trai đã tu thành chính quả với biệt hiệu: Hương Vân Cái Bồ Tát và 8 em là Bát Bộ Kim Cương.

Ngày 31/5/2012 Nhà nước đã giao cho họ Đỗ (Đậu) Việt Nam chủ quyền bảo vệ ngôi mộ cổ Bát Bộ Kim Cương – Đó là gò Thiềm Thừ (gò Cóc Thần) tại Ba La Hà Đông – Hà Nội. Với trên 5000 năm lịch sử của một dòng họ, chúng tôi đã chung sống cùng trăm họ trên đất nước Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm, qua các triều đại, ở triều đại nào thì dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam đều có những anh hùng  hào kiệt. Lão tướng Đỗ Dương đời Trương Vương quê ở Châu Diên, quận Giao Chỉ đã hợp binh với họ Trưng  khởi nghĩa. Mưu thần Đỗ Anh Hàn thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng quê Đường Lâm thuộc Châu Phong, ông đã đem tài trí giúp Phùng Hưng từ những  năm 791. Đại thần Đỗ Anh Kiệt đời Lý Cao Tông đã tham gia dẹp  Quách Bốc, chính ông đã giúp cho nhà Lý đứng vững được trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đỗ Cảnh Thạc danh tướng đời nhà Ngô có công giúp Ngô Xương Văn dẹp được Dương Tam Kha. Liệt sỹ Đỗ Hành đời Trần Nhân Tông trong cuộc kháng chiến Nguyên Mông có công rất lớn. Năm Mậu Tý (1288) trong trận đánh ở Bạch Đằng Giang, chính ông đã bắt được tướng Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc. Ông được thăng đến chức quan Nội Hầu. Võ tướng Đỗ Khắc Trung đời Trần Nhân Tông năm Bính Tuất (1286) nhà ngoại giao có tài. Đến đời Trần Anh Tông chính ông đã sang Chiêm Thành cứu Huyền Trân Công Chúa khỏi phải lên hỏa đàn. Ông được phong lên chức Thượng Thư Tả Bộc Xạ. Trong quá trình lịch sử đến nay có rất nhiều tướng họ Đỗ – Tiêu biểu là Thượng tướng – Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN: Đỗ Bá Tỵ và rất nhiều tướng lĩnh ở các quân khu trong cả nước. Về lịch sử khoa cử: Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam: Dân số xếp hàng thứ 10, nhưng khoa cửa xếp hàng thứ 6. Một dòng họ Đỗ ở làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa trong 270 năm có được 62 người thi đỗ tiến sỹ (trong đó có 2 Trạng nguyên).

 

Hôm nay, ngày 30 tháng 11 năm Nhâm Thìn dòng họ Đỗ  (Đậu) Việt Nam đứng dưới ngôi đình An Thọ, cung kính trước Tiên hiền, Liệt vị, các vị Thánh, Thần Hoàng làng. Mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đây ghi nhận một chiến tích – vâng ! đó là một kỳ tích của một cặp vợ chồng, ông Vũ Phục tự là Phúc Thiện, nguyên người đất Phong Châu (nay là xã Thụ Ích, huyện Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ) đến nhập tịch tại xã Minh Tảo huyện Từ Liêm, lấy người con gái họ Đỗ ở Ngõ Tháp  làng này. Ông bà chuyên nghề bán dầu – một nghề chuyên mang lại ánh sáng cho muôn nhà. “Sớm lửa, tối đèn” có nhau, một cặp vợ chồng nghèo về tiền bạc, nhưng có một tấm lòng “ngàn vàng không đổi được”. Ông bà đã làm  một việc nghĩa lớn, lấy chữ “Trung” với vua, nghĩ về xã tắc trọng hơn bản thân mình, để chữa cho vua Lý Nhân Tông (thế kỷ XI) khỏi được bệnh đau mắt; để ngăn  được dòng nước xoáy của hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù từng tác yêu tác quái. Đến nhà Vua phải than rằng: “Nay nhân lực đã hết, không biết làm thế nào để chế ngự dòng nước…”. Chính ông Vũ Phục và vợ là người con gái họ Đỗ đã quyết định sáng suốt và đúng lúc để cứu Vua, cứu dân. Hai thân đã vui vẻ nhảy xuống giữa dòng nước xoáy của Tô Lịch và Thiên Phù. Hôm ấy là ngày ba mươi tháng mười một.

Từ đấy dòng sông bình yên, đê được vững vàng, thành trì không bị sói lở, bệnh đau mắt của Vua cũng khỏi. Nhà vua bèn cho lập đền thờ sắc phong ông bà làm Phúc Thần:       CHIỀU ỨNG PHÙ VẬN ĐẠI VƯƠNG

THUẬN CHÍNH PHƯƠNG DUNG CÔNG CHÚA

Đền của ông bà được dựng tại huyện Quảng Đức (triều Gia Long) đổi là huyện Vĩnh Thuận gần góc thành Thăng Long.

Kính thưa các vị quý khách.

“Ôn cố tri tân”, “Uống nước nhớ nguồn” đó là đạo lý của người Việt Nam. Chúng ta phải làm điều này mãi mãi để cho lớp con cháu chúng ta hiểu được giá trị tinh thần và vật chất để có được cuộc sống thanh bình hôm nay. Tuổi trẻ phải biết kế thừa những tinh hoa của ông cha để lại, khi chúng vươn tầm tay với tới khoa học hiện đại thì chúng phải hiểu rằng: Những bậc tiền nhân đã phải đổi bằng máu và nước mắt để xây dựng cho chúng những bậc đài bước đến vinh quang.

Kính chúc các quý ông quý bà: VẠN SỰ NHƯ Ý !

Xin trân trọng cảm ơn !

TM HỘI ĐỒNG HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM

CHỦ TỊCH 

 

Kỹ sư Đỗ Ngọc Liên

 

___________